Thu hoach, sơ chế và bảo quản Cà gai leo (Solanum hainanense Hance/Solanum procumbens Lour)

1. Kỹ thuật thu hoạch

Việc thu hái Cà gai leo là một khâu quan trọng có vai trò quyết định lớn đến hoạt chất, chất lượng nguyên liệu cho các khâu tiếp theo. Sản phẩm trung gian trong quá trình sản xuất dược liệu Cà gai leo là phần trên mặt đất (cành lá) còn tươi chưa qua sơ chế.
C25C325A02Bgai2Bleo2B2528Solanum2Bhainanense2BHance25292B6
Tiêu chuẩn chất lượng đối với sản phẩm trung gian (tiêu chuẩn dược liệu tươi) gồm:
• Thu hoạch đúng thời điểm hướng dẫn
• Cành, thân, lá không bị nhiễm bệnh
• Tỷ lệ lá đạt từ 30-40%
• Tỷ lệ tạp chất không quá 1%
• Cành, thân và lá không dính đất cát, không bị dập nát, không bị thối hỏng

1.1. Xác định thời điểm thu hoạch

• Lần cắt thứ nhất là sau trồng 6 tháng;
• Các lần thu hoạch tiếp là sau khoảng 3 tháng có thể cắt thu hoạch dược liệu 1 lần;
• Lựa chọn thời điểm có thời tiết khô ráo, không có mưa để thu hái nhằm đảm bảo hoạt chất của dược liệu và để giảm bớt công đoạn xử lý (rửa, băm chặt và phơi sấy).

1.2. Chuẩn bị dụng cụ, vật tư trước thu hoạch

Cà gai leo có nhiều gai cứng ở thân, nên khi thu hái dược liệu Cà gai leo cần chuẩn bị một số vật dụng sau:
• Bảo hộ: Ủng cao su, găng tay;
• Dụng cụ thu hái: Liềm hoặc dao cắt, máy cắt; Dây buộc; Bạt lót nền; Nhãn mác ghi chép lô thu hái; Dao thớt hoặc máy băm chặt thái chuyên nghiệp;
• Phương tiện vận chuyển: Xe bò hoặc xe máy kéo đảm bảo vệ sinh để chuyên chở dược liệu về nơi tập kết chế biến sau thu hoạch;
• Các vật dụng được sử dụng trong quá trình thu hái và sơ chế đều phải đảm bảo sạch sẽ, không bị gỉ sét, bụi bẩn;
• Khu vực tập kết, sơ chế phải được quét dọn sạch sẽ và đảm bảo không lẫn với các loại dược liệu

1.3. Chuẩn bị ruộng thu hoạch

• Ruộng trước thời điểm thu hái phải ngừng phun các loại thuốc bảo vệ thực vật và phân hóa học.
Đảm bảo đủ thời gian cách ly theo khuyến cáo của nhà sản xuất;
• Ít nhất 1 tuần phải đảm bảo không được tưới đẫm nước vào ruộng vì có thể gây bẩn lên dược liệu, cây hút nước vào nhiều sẽ làm cho độ ẩm cao. Sau khi thu hoạch xong chưa kịp xử lý sẽ rất dễ hỏng và việc phơi sấy cũng cần tốn thời gian và nhiên liệu hơn.

1.4. Tiến hành thu hoạch

• Lựa chọn ngày khô ráo thu hoạch, không thu hái hoặc ngừng thu hái vào ngày mưa, không khí ẩm ướt;
• Dùng liềm hoặc máy cắt dược liệu cắt cách gốc khoảng 15 -20cm để cho cây có thể tiếp tục phát triển;
• Gom dược liệu theo cùng 1 chiều và xếp thành từng đống nhỏ, tránh để ngoài nắng( để tránh dược liệu bị hấp hơi, nhũn lá). Phải có bạt lót ở dưới để tập kết dược liệu khi bốc xếp lên xe;
• Số lần cắt/một năm: 3-4 lứa/năm;
• Năng suất khô: 5,5–5,8 tấn/ha/năm.

2. Vận chuyển sản phẩm

• Dược liệu vận chuyển chủ yếu từ khu sản xuất vào khu vực sơ chế, từ sơ chế ra sân phơi và từ sân phơi vào kho chứa;
• Xe vận chuyển dược liệu không được dùng chung với các loại xe chở phân bón, thuốc trừ sâu, chở gia súc gia cầm và các loại khác có nguy cơ gây bẩn, ô nhiễm dược liệu;
• Phương tiện được làm sạch trước khi sử dụng cho việc vận chuyển;
• Trong quá trình bốc xếp dược liệu lên xe, chú ý không giẫm lên dược liệu, không nén chặt, không kết hợp vận chuyển dược liệu với các sản phẩm khác;
• Vận chuyển về địa điểm chế biến phải tiến hành tháo dỡ ngay dược liệu, không để trên xe lâu dược liệu dễ bị hấp hơi, ngưng tụ nước hoặc nhũn do nóng làm giảm chất lượng.

3. Sơ chế

Thành phẩm là phần trên mặt đất của Cà gai leo sau khi rửa sạch, cắt ngắn thành từng đoạn và được phơi, sấy khô.

Tiêu chuẩn chất lượng dược liệu Cà gai leo (dược liệu khô) phải đạt:

• Dược liệu Cà gai leo có mầu bạc sẫm, không đen, bẻ cành thấy giòn. Lá vò nhẹ có thể vỡ, mạnh làm vụn. Không lẫn tạp chất khác, không bị nấm mốc hay biến màu;
• Độ ẩm: Không quá 12%;
• Tỷ lệ tạp chất khác không quá 1%, tỷ lệ lá đạt từ 30-40% trong đó tỷ lệ cành gốc có đường kính 3mm không quá 10%. Dược liệu không lẫn sỏi, cát;
• Không bị nhiễm vi sinh, nấm mốc, các chỉ số nằm trong giới hạn cho phép theo tiêu chuẩn quy định.

Dược liệu Cà gai leo sau khi tập kết về cơ sở sản xuất, cần thực hiện các bước chính như sau:

• Rửa qua hệ thống gồm 3 bể để làm sạch đất cát, lá mục nát và các chất bụi bẩn hữu cơ khác;
• Sau khi rửa sạch dược liệu cần được để ráo nước đến khi có thể tiến hành băm chặt được;
• Băm cắt dược liệu: bằng tay hoặc máy cắt thành từng đoạn dài 3-4cm;
• Phơi sấy:
– Phơi trực tiếp dược liệu trên sân có trải bạt hoặc sấy bằng các hệ thống lò sấy;
– Trong quá trình phơi sấy cần phải đảo dược liệu để cho nhanh khô và tránh bị hấp hơi.
– Khu vực phơi sấy phải được cách ly hoàn toàn việc gia súc gia cầm thâm nhập vào và các loại côn trùng khác;
– Dược liệu được phơi khô, độ ẩm 12% trở xuống là đạt tiêu chuẩn;
– Trong trường hợp gặp phải trời mưa, cần chuyển ngay dược liệu vào khu vực được che mưa, rải dược liệu lên các mặt thoáng với độ dày không quá 10cm và phải bật quạt thông gió để tránh dược liệu bị ẩm mốc.

4. Đóng gói và bảo quản

4.1. Đóng gói

• Dược liệu Cà gai leo sau khi được phơi khô thì cần đóng gói trong túi, không đóng gói khi dược liệu còn nóng;
• Túi đóng gói dược liệu bao gồm 2 lớp, lớp trong cùng là túi polyethylen loại tốt (để tránh bị đâm thủng) và lớp ngoài cùng là bao tải dứa. Kích thước của túi tùy thuộc vào yêu cầu vận chuyển và lưu kho của đơn vị trong từng thời điểm khác nhau;
• Trong quá trình đóng gói, người đóng gói phải sử dụng bảo hộ lao động bao gồm: mũ vải, gang tay, quần áo bảo hộ, khẩu trang. Khi đóng gói, không được hút thuốc, ăn uống hay thực hiện các hành vi khác có nguy cơ ô nhiễm dược liệu.

4.2. Bảo quản

• Dược liệu sau khi đóng gói cần được vận chuyển đến kho lưu giữ hàng;
• Các bao dược liệu cần được đặt lên các kệ và xếp một cách cẩn thận để không bị đổ, dễ dàng bốc xếp cũng như lấy dược liệu ra khỏi kho;
• Quá trình bảo quản dược liệu phải luôn giữ trong điều kiện thông thoáng, tránh sự thâm nhập của chuột bọ, côn trùng và các nhân tố gây hại khác, không sử dụng các hóa chất bảo quản.
• Tiêu chuẩn kho dược liệu:
– Vị trí kho: Phải tránh xa những khu vực có chất gây ô nhiễm, xăng dầu, gia súc, gia cầm, côn trùng, loài gặm nhấm và các vật gây hại khác;
– Thông thoáng, đủ ánh sáng và có các kệ để dược liệu.
• Tường và trần kho bằng phẳng thuận tiện cho việc vệ sinh.
Xem thêm  Thu hoach, sơ chế và bảo quản Kim tiền thảo (Desmodium styracifolii (Osb.) Merr.)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *