Quản lý sâu bệnh với Gừng (Zingiberaceae)

1. Sâu hại

1.1 Sâu đục thân

• Đặc điểm gây hại
+ Thường xuất hiện vào đầu mùa mưa;
+ Sâu đục vào bên trong và ăn phần non, nếu bộc phát mạnh sẽ làm giảm đáng kể năng suất Gừng.
• Biện pháp phòng trừ
+ Cày ải và phơi đất trước khi trồng;
+ Sử dụng các loại chế phẩm sinh học để xua đuổi các loại côn trùng;
+ Ngoài ra có thể sử dụng các loại vi sinh vật có lợi, các nấm đối kháng để xua đuổi và gây bệnh cho sâu hại.
G25E125BB25ABng2B2528Zingiberaceae25292B2

2. Bệnh hại

2.1 Bệnh thối vàng, cháy lá

ĐẶC ĐIỂM GÂY HẠI

• Bệnh do nấm Fusarium gây nên;
• Thường vết bệnh xuất hiện trên chóp lá và cháy từ chóp vào hoặc có những vết cháy hình tròn hoặc bầu dục trên lá, thường gọi là bệnh cháy lá;
• Nếu bệnh phát triển mạnh, nấm tấn công vào nách lá, xuống củ làm chết cả cây, thường gọi là bệnh thối vàng. Trên củ có vết màu nâu, phần củ nhăn nheo và teo lại có phủ lớp tơ màu trắng;
• Bệnh xuất hiện trong điều kiện ẩm ướt kéo dài.

BIỆN PHÁP PHÒNG TRỪ

Do bệnh rất khó trị, lây lan nhanh và gây tổn thất lớn nên phòng bệnh là vấn đề cần thiết và bắt buộc. Cần tiến hành thực hiện các biện pháp sau:
• Ngay sau thu hoạch vụ trước (đối với đất trồng chuyên) hoặc trước khi tiến hành xuống giống, cần vệ sinh đồng ruộng, tiêu hủy thân cây dư thừa (nguồn lưu tồn bệnh);
• Tránh để cây bệnh gần hoặc vứt xuống nguồn nước tưới để tránh lây lan, bố trí canh tác ở nơi không bị ngập úng;
• Bón lót phân hữu cơ kết hợp với chế phẩm sinh học Tricô (chứa nấm Trichoderma);
• Bón lót vôi để xử lí đất với lượng 50-60kg/1.000 m2;
• Khi thấy Gừng bị nhiễm bệnh cần khoanh vùng và loại bỏ những cây bị bệnh, rắc vôi trên diện tích bị bệnh để tránh lây lan ra diện tích rộng.
G25E125BB25ABng2B2528Zingiberaceae25292B3

2.2 Bệnh héo lụi vi khuẩn

Bệnh héo lụi vi khuẩn còn được gọi với nhiều tên khác nhau như thối củ, thối nhũn, héo lá, héo lá thối củ. Do đặc điểm bệnh rất khó trị, lây lan nhanh và gây tổn thất lớn nên phòng bệnh là vấn đề cần thiết và bắt buộc.

TÁC NHÂN VÀ TRIỆU CHỨNG BỆNH

Tác nhân gây bệnh được cho là vi khuẩn Ralstonia solanacearum race 4.

ĐẶC ĐIỂM BỆNH

• Triệu chứng ban đầu của bệnh là vàng nhẹ và héo các lá bên dưới, sau đó dần lên các lá phía trên, ảnh hưởng đến lá non, rồi chuyển vàng nâu toàn bộ tán lá;
• Trong điều kiện thuận lợi cho bệnh phát triển, toàn bộ chồi bị nhũn và héo khá nhanh, khiến lá chưa kịp vàng, hóa nâu chỉ trong 3-4 ngày. Chồi nhiễm bệnh sẽ mềm và nhũn, dễ tách ra khỏi củ khi nhổ lên;
• Phần củ dưới mặt đất cũng bị nhiễm bệnh. Ban đầu mô củ biến màu, chuyển sang màu nâu tối và
sũng nước phần ở tâm củ. Sau đó toàn bộ củ mềm và thối nhũn. Cắt ngang củ bị bệnh, thấy có chất dịch nhầy màu vàng kem ứa ra. Khi nhúng mặt cắt này vào ly nước thì thấy dịch nhầy dần tan trong nước. Đây là một trong những cách đơn giản để nhận diện bệnh và phân biệt với triệu chứng với bệnh thối vàng do nấm Fusarium gây ra.

ĐIỀU KIỆN PHÁT SINH PHÁT TRIỂN CỦA BỆNH

• Bệnh phát triển mạnh trong điều kiện mưa nhiều, đất ẩm ướt, đọng nước, úng ngập;
• Vi khuẩn xâm nhập vào củ qua các lỗ mở tự nhiên hoặc qua vết thương trên rễ và củ hoặc do tuyến
trùng hay côn trùng gây ra;
• Bệnh lây lan trong đất, củ giống, công cụ, phương tiện, máy móc, xe cộ, nhân công, động vật di chuyển ra vào vườn;
• Vi khuẩn gây bệnh cũng có thể lây lan qua nguồn nước, nhất là nước tưới;
• Sử dụng củ giống nhiễm bệnh là nguyên nhân lây lan ở khoảng cách xa và diện rộng hơn;
• Vi khuẩn có thể sống sót trên tàn dư cây nhiễm bệnh hoặc sống tự do chờ cơ hội xâm nhiễm trở lại.

BIỆN PHÁP PHÒNG TRỪ

1) Chọn nơi đất trồng dễ thoát nước và không bị úng ngập. Khu đất bằng cần lên luống để thoát nước tốt; Nên chú ý vun hàng (3-5 lần) để tạo cơ hội thoát nước tốt đồng thời giúp Gừng sinh trưởng và phát triển tốt;
2) Tránh trồng vào thời điểm mưa nhiều, đất ẩm ướt vì làm tăng nguy cơ lây nhiễm bệnh cho cho cây trồng;
3) Bón phân cân đối và đầy đủ nhằm tăng cường sức khỏe cây;
4) Ngăn ngừa nguồn bệnh xâm nhập và lây lan:
• Khi chuẩn bị đất trồng, chỉ sử dụng công cụ, phương tiện và vật dụng không mang nguồn bệnh hoặc đã được khử trùng thích hợp;
• Vườn cần có rào cách ly, ngăn ngừa nguồn bệnh xâm nhập lây lan;
• Hạn chế các phương tiện, gia súc, động vật và du khách vào vườn vì nguồn bệnh có thể xâm nhập qua đất nhiễm bệnh dính vào bàn chân, động vật, giày dép, bánh xe, công cụ chăm sóc;
• Cây nhiễm bệnh phải được tiêu hủy, khoanh vùng cách ly và không trồng lại Gừng hoặc các cây là ký chủ của bệnh. Những vườn nhiễm nặng cần tiêu hủy và có biện pháp cách ly nhằm ngăn chặn lây lan.
5) Sử dụng củ giống sạch bệnh. Nếu tự để củ giống, phải đảm bảo lấy từ vườn cây sinh trưởng tốt và
khỏe mạnh. Giống nên được bảo quản thích hợp để tránh nhiễm bệnh. Mỗi vùng nên sản xuất củ giống sạch bệnh để cung cấp cho người trồng;
6) Phân hữu cơ cần ủ hoai, đảm bảo không chứa nguồn bệnh. Có thể sử dụng biện pháp ủ nóng hay bổ sung thêm một số vi sinh vật có ích trong quá trình ủ để giảm nguy cơ nguồn bệnh có trong phân hữu cơ. Chế phẩm chứa nấm Trichoderma spp. (như Trichoderma asperellum, Trichoderma viride) có thể áp dụng bằng cách trộn với phân hữu cơ trước khi bón;
7) Bón bổ sung vôi bột để cải thiện độ pH đất nếu đất chua. Tùy loại đất và độ chua, có thể bón 200-400kg/1000m2;
 
8) Cần đảm bảo nước tưới không chứa nguồn bệnh. Nước mương, sông rạch, nước mặt quanh khu vực
trồng Gừng có nguy cơ nhiễm bệnh cao, đặt biệt là nơi có vườn nhiễm bệnh. Nên dùng nước giếng khoan vì ít có nguy cơ nhiễm vi khuẩn hơn;
9) Sau một vài vụ nên luân canh Gừng với một số cây trồng khác không phải là ký chủ của vi khuẩn
Ralstonia solanacerum race 4 (khoai lang, khoai môn, cây ngô, lúa, cây đỗ tương, cây hành lá).
Không xen canh với một số cây họ cà, bao gồm cây cà chua, ớt hay cà tím;
10) Tránh thu hoạch quá muộn nhằm giảm thiểu thời gian Gừng tiếp xúc với nguồn bệnh. Những vườn
chớm bệnh có thể thu hoạch sớm để giảm thiệt hại. Gừng từ những vườn này không nên sử dụng
để làm giống.
Xem thêm  Quản lý sâu bệnh với cây Ích mẫu (Leonurus japonicus Houtt.)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *