Quản lý sâu bệnh trên cây Cà gai leo (Solanum hainanense Hance/Solanum procumbens Lour)

1. Sâu hại

BỌ RÙA 28 CHẤM

Đặc điểm hình thái

• Bọ rùa trưởng thành màu nâu hung, cơ thể hình bán cầu. Trên mỗi cánh có 14 chấm màu đen;
• Trứng màu vàng tươi, hình ống và thường đẻ thành ổ khoảng vài chục quả bên dưới mặt lá;
• Sâu non hình bầu dục thuôn dài, màu vàng nhạt đến vàng tươi. Trên lưng có 6 hàng long gai phân nhánh màu đen nhạt chạy dọc cơ thể;
• Nhộng màu vàng nhạt, hình bầu dục mặt lưng cong vồng lên phía trước có một số chấm đen.
Đặc điểm gây hại của bọ rùa 28 chấm
• Ấu trùng và bọ rùa trưởng thành ăn nhu mô lá để lại gân lá. Phần lá bị ăn thường có hình nan quạt;
• Bọ rùa 28 chấm thường bắt đầu xuất hiện gây hại vào cuối tháng 4, mật độ bọ rùa 28 chấm tăng dần đạt cao điểm vào đầu tháng 5.

Cách diệt trừ

• Khi mật độ thấp sử dụng biện pháp thủ công cơ giới như dùng tay để thu bắt ổ trứng bọ rùa 28 chấm;
• Khi mật độ tăng cao sử dụng các thuốc có nguồn gốc sinh học để phòng trừ. Một số thuốc có thể dung như thuốc có hoạt chất Abamectin như Azimex 20EC, Shertin 3.6EC;

• Cách sử dụng, nồng độ, liều lượng và thời gian cách ly xem trên bao bì của sản phẩm.

C25C325A02Bgai2Bleo2B2528Solanum2Bhainanense2BHance25292B5

RỆP SÁP

• Rệp trưởng thành hình bầu dục trên cơ thể có lớp bột sáp trắng. Bên dưới lớp sáp là lớp da màu hồng và ít di chuyển từ cây này sang cây khác;
• Rệp non mới nở màu hồng, hình bầu dục chân phát triển và linh hoạt di chuyển tìm nơi cố định để gây hại;
• Sau khi nở vài ngày rệp non cũng xuất hiện lớp sáp trắng bao phủ trên mình.

Đặc điểm gây hại của rệp sáp

• Rệp sáp thường tập trung thành đám ở ngọn cây, cuống lá, hoa, quả, chồi non hút dịch cây làm chồi non héo, hoa quả rụng cây còi cọc, sinh trưởng phát triển chậm dẫn đến năng suất và chất lượng dược liệu giảm sút nghiêm trọng.

Cách diệt trừ

• Khi mật độ thấp sử dụng biện pháp thủ công cơ giới như cắt cành bị rệp sáp hại;
• Khi mật độ tăng cao sử dụng các thuốc có nguồn gốc sinh học để phòng trừ. Một số thuốc có thể dùng như thuốc có hoạt chất Abamectin như Azimex 20EC, Shertin 3.6EC. Cách dùng thuốc, nồng độ, liều lượng và thời gian cách ly xem hướng dẫn trên bao bì sản phẩm.

RẦY XANH

Đặc điểm hình thái

• Rầy non và trưởng thành có hình thái gần giống nhau màu xanh lá mạ, đầu nhọn giống hình tam
giác;
• Trứng hình hơi cong dạng quả chuối tiêu, lúc mới đẻ màu trắng sữa, sắp nở có màu lục nhạt hay hơi
nâu.

Đặc điểm gây hại

• Rầy xanh xuất hiện cùng thời gian trên ruộng cà với bọ rùa 28 chấm, dùng ngòi châm hút nhựa trên lá, cọng non và tập trung ở gân chính, gân phụ trên lá non;
• Các vết châm tạo thành những vết đốm lỗ chỗ màu trắng sang;
• Lá bị khô dần từ chóp lá và từ mép lá vào trong;
• Lá bị cong queo cằn cỗi trông như bị thiếu dinh dưỡng.

Cách diệt trừ

• Sử dụng các thuốc có nguồn gốc sinh học để phòng trừ. Một số thuốc có thể dùng như thuốc có hoạt chất Abamectin như Azimex 20EC, Shertin 3.6EC;
• Cách dùng thuốc, nồng độ, liều lượng và thời gian cách ly xem hướng dẫn trên bao bì sản phẩm.

2. Bệnh hại

BỆNH HÉO XANH DO VI KHUẨN (Pseudomonas solanacearum)

Đặc điểm gây hại:

• Bệnh xuất hiện và gây hại ở cả giai đoạn vườn ươm cây con và ở ruộng sản xuất;
• Bệnh gây hại nặng khi cây đã lớn, nhất là giai đoạn ra nụ-hoa đến hình thành quả non-thu hoạch;
• Cây con nhiễm bệnh thường làm toàn bộ lá héo rũ nhanh chóng, sau đó cây chết (lá còn xanh);
• Trên cây lớn: biểu hiện ban đầu là các lá ngọn héo xanh rũ xuống, về sau các lá phía gốc tiếp tục héo. Hiện tượng héo xanh ban đầu xảy ra có thể ở một thân hoặc một nhánh ở về một phía của cây, cuối cùng dẫn tới toàn cây héo rũ, gãy gục và chết;
• Những cây nhiễm bệnh thường thấy ở phần gốc sát mặt đất vỏ thân sù sì, có những u nhỏ, đó là triệu chứng đặc trưng của cây họ cà khi bị bệnh héo xanh vi khuẩn;
• Phần bên trong rễ cây và thân cây bị sũng nước, sau đó chuyển màu nâu. Nếu cắt đoạn thân cây bệnh để vào trong cốc nước, chúng ta dễ dàng thấy những giọt dịch vi khuẩn màu trắng sữa chảy ra;
• Đặc điểm của bệnh héo xanh là cây héo đột ngột nhưng lá vẫn còn xanh.

Biện pháp trừ bệnh hại

• Cần phát hiện sớm để xử lý bệnh có hiệu quả. Có thể sử dụng một trong các loại thuốc sau: Fugous proteoglycans (Elcarin 0.5SL); Polyphenol (Chubeca 1.8 SL); Streptomyces lydicus WYEC 108 (Actinovate 1 SP). Bacillus subtilis: (Biobac 50WP); Ningnanmycin: (Ditacin 8 L)

3. Các kỹ thuật phòng sâu bệnh hại

• Cày ải phơi đất 1 tuần trước khi trồng để diệt trứng và nhộng hoặc cho nước ngập vào ruộng, ngâm khoảng 1 ngày đêm sau đó tháo cạn, để ráo ruộng trước khi gieo trồng;
• Trồng cây đúng mật độ, đúng khoảng cách, đúng quy trình kỹ thuật;
• Thường xuyên thăm đồng để theo dõi tình hình sinh trưởng của cây;
• Theo dõi tốc độ sinh trưởng của cây để xác định việc bổ sung dinh dưỡng và nước cho từng giai đoạn phù hợp;
• Vệ sinh đồng ruộng, làm sạch cỏ dại trên ruộng và quanh bờ để hạn chế nguồn ký chủ phụ của sâu.
• Cần thoát nước kịp thời khi trời mưa;
• Nhổ bỏ và đem tiêu hủy hết các cây bị bệnh để tránh lây lan ngay khi mới phát hiện;
• Luân canh cây trồng với cây trồng khác họ cà, không nên trồng 2 vụ liên tiếp cây họ cà trên một chân đất;
• Trong quá trình chăm sóc hạn chế làm sây sát, tổn thương cho cây.
Xem thêm  Quản lý sâu bệnh với Gừng (Zingiberaceae)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *