Mô hình Keo – Xoài – Ngô – Cỏ chăn nuôi

a. Thông tin chung

Bộ kỹ thuật hướng dẫn này được phát triển dựa trên kết quả nghiên cứu tại Yên Bái của nhóm tác giả Tổ chức Nông Lâm thế giới (ICRAF)23. Xoài (Mangifera indica L.) thuộc họ Đào lộn hột. Thích hợp nơi có nhiệt độ trung bình từ 24-26oC, lượng mưa thấp nhất từ 1.000 – 1.200 mm/năm. Sinh trưởng và phát triển tốt nhất ở môi trường đủ ánh sáng. Xoài không kén đất, có thể trồng trên nhiều loại đất khác nhau như: đất đồi, đất cát, đất lẫn đá sỏi…, độ pH từ 5,5-6,5.

M25C325B42Bh25C325ACnh2BKeo2B 2BXo25C325A0i2B 2BNg25C325B42B 2BC25E125BB258F2Bch25C42583n2Bnu25C325B4i2B1

Hiện nay, nước ta có khoảng 100 giống xoài khác nhau, điển hình như xoài cát Hòa Lộc, xoài Thanh Ca, xoài Canh Nông, xoài tròn Yên Châu, xoài Tượng, giống xoài GL1, GL2, GL6 được tuyển chọn bởi Viện Nghiên cứu Rau Quả và được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận, phù hợp với điều kiện tự nhiên ở miền Bắc. Tại nhiều địa phương, hiện nay bà con nông dân đang ưa chuộng trồng giống xoài nhập từ Úc – R2E2 cho quả to, cân nặng có thể đạt 1,5 kg, màu đẹp và hạt nhỏ.

Keo tai tượng (Acacia mangium), keo lá tràm (Acacia auriculiformis) được nhập nội vào Việt Nam cùng với các loại keo lai và sau này được sử dụng rộng rãi với mục đích trồng rừng nhằm cải tạo môi trường sinh thái, sản xuất gỗ, nguyên liệu cho ngành công nghiệp chế biến bột giấy, gỗ ván dăm…

Loài cây này mọc tốt trên đất có độ dày trung bình, có khả năng thoát nước khá tốt, độ pH gần trung tính, hơi chua, sinh trưởng khá nhanh và thích nghi rộng. Với đặc điểm là loài cây mọc nhanh và có khả năng cố định đạm nên cây keo có thể đưa vào thời gian kiến thiết cơ bản nhằm tạo bóng nhanh, đóng góp cho cải tạo đất và tạo điều kiện cho các loại cây trồng khác trong hệ thống Nông Lâm kết hợp phát triển.

b. Thiết kế mô hình
M25C325B42Bh25C325ACnh2BKeo2B 2BXo25C325A0i2B 2BNg25C325B42B 2BC25E125BB258F2Bch25C42583n2Bnu25C325B4i

Trong hệ thống Keo – Xoài – Ngô – Cỏ chăn nuôi, các loại cây đều trồng theo đường đồng mức để tăng hiệu quả chống xói mòn. Xoài được trồng theo hàng với khoảng cách giữa các cây trong hàng là 4 m. Tiếp theo hàng xoài là hàng keo với khoảng cách giữa các cây là 2 m. Hàng xoài và hàng keo cách nhau 10 m. Như vậy trên mỗi hecta có thể trồng 125 cây xoài và khoảng 300 cây keo. Băng cỏ chăn nuôi (mulato, guinea) trồng theo hàng kép phía dưới hàng xoài hay keo 1 m. Các hom cỏ được trồng theo hàng kép, các hàng cách nhau 60 cm. Trong hàng các hom cách nhau 40 cm(cần khoảng 1,5-2 tấn hom/ha).

Cỏ cũng có thể được trồng bằng hạt, tuy nhiên để đạt hiệu suất cao, cần được chuẩn bị như làm mạ lúa, sau đó đánh lên trồng trong hệ thống. Ngô được gieo trên phần diện tích còn lại (12 kg giống/ha/vụ, khoảng 65- 70% lượng giống so với trồng ngô thuần). Cần đảm bảo cách hàng keo và xoài tối thiểu 1 m để tránh ảnh hưởng tới cây giai đoạn kiến thiết cơ bản.

Xem thêm  Mô hình Mắc ca - Cà phê - Đỗ tương

c. Kỹ thuật trồng, bón phân

(1) Cây xoài

Bước 1: Chuẩn bị hố với kích thước 60 cm × 60 cm × 60 cm hoặc 80 cm × 80 cm × 80 cm.
Bước 2:

  • Bón lót 10-15 kg phân chuồng hoai mục; 1 kg phân supe lân hoặc phân NPK tỷ lệ 5:10:3 (hoặc lượng tương đương); 0,5-1 kg vôi bột mỗi hố, lấp đất ủ phân trước khi trồng 1 tháng.
  • Năm 1-3: Bón 0,6 kg phân NPK tỷ lệ 13:5:10 (hoặc lượng tương đương); 0,4 kg đạm urê mỗi cây.
  • Năm thứ 4 trở đi: Bón theo tình trạng cây và năng suất quả. Bón 0,7- 1,7 kg đạm urê; 1,6-4 kg super lân; 0,3-0,8 kg kali clorua; 20-30 kg phân chuồng mỗi cây.
  • Cách bón: Lần 1 bón toàn bộ phân chuồng và 50% phân hóa học, bón tháng 9-10 trước khi xoài có hoa; Lần 2 bón 50% lượng phân hóa học còn lại vào đầu mùa mưa, tháng 3-4. Hoặc sử dụng 2-5 kg phân NPK tỷ lệ 16:16:8 (hoặc lượng tương đương) mỗi cây chia bón 2 lần như trên.

(2) Cây keo

Bước 1: Chuẩn bị hố với kích thước 40 cm × 40 cm × 40 cm.
Bước 2: Bón lót lót 0,6 kg NPK và hàng năm bón 0,2 kg NPK mỗi cây.

(3) Cỏ chăn nuôi

Rạch rãnh theo đường đồng mức bên dưới hàng xoài và keo, sâu khoảng 20-25 cm để trồng cỏ. Cỏ sinh trưởng nhanh do đó có tác dụng ngăn dòng chảy mặt trên đất dốc sớm. Hệ thống không sử dụng phân bón cho cỏ vì cỏ được trồng với mục đích tận dụng lượng phân bón bị rửa trôi từ phía trên sườn dốc.

(4) Ngô

Ngô (12 kg giống/1 ha) được gieo trên phần diện tích còn lại. Bón lót: 6-10 tấn phân chuồng và 300 kg supe lân mỗi ha. Bón thúc: 180-240 kg urê; 300 kg supe lân; 75 – 100 kg kali clorua mỗi ha, chia làm 2-3 đợt bón.

Đợt 1: Cây có 3-4 lá, bón 1/3 lượng urê + 1/2 kali
Đợt 2: Cây có 9 – 10 lá, bón 1/3 lượng urê + 1/2 kali
Đợt 3: Trước trỗ cờ 5-7 ngày, bón nốt 1/2 lượng urê
Bón phân kết hợp làm cỏ, xới đất cho tơi xốp và vun đất cho gốc ngô. Thường làm cỏ 2 đợt kèm với các đợt bón thúc đợt 1 và đợt 2.

d. Kỹ thuật tỉa cành, tạo tán

(1) Cây xoài

Thời kỳ kiến thiết cơ bản: Nhằm tạo bộ khung vững chắc cho cây, tạo bộ tán phát triển theo chiều ngang và có độ cao phù hợp. Từ vị trí mắt ghép 60-70 cm, bấm ngọn cây để phát triển thành cành bên. Chọn 3 -4 cành khỏe mọc từ thân chính phát triển đều về các hướng thành cành cấp 1. Cành cấp 1 dài khoảng 60 cm thì bấm ngọn, để phát triển cành cấp 2. Giữ lại từ 2-3 cành cấp 2 khỏe đều về các hướng. Tương tự, tạo ra cành cấp 3  từ các cành cấp 2. Tuy nhiên, cành cấp 3 không hạn chế về số lượng và chiều dài. Chỉ tỉa bỏ các cành cấp 3 yếu hoặc nơi quá dày.

Xem thêm  Muồng cọc rào (Gliricidia-sepium (Jacq.) Walp) và Keo dậu (Leucaena leucocephala (Lam.) De Wit)

Thời kỳ kinh doanh: Từ bộ khung tán lá đã tạo ở thời kỳ kiến thiết cơ bản, cắt tỉa định kỳ hàng năm vào các thời điểm: Sau khi thu hoạch (tháng 10-11); và trước khi cây ra hoa (tháng 2-3) cần tiến hành cắt tỉa. Cắt bỏ các cành vượt, cành mọc đan chéo, cành mọc ngược, cành gãy, cành sâu bệnh, cành trong tán hoặc tỉa thưa bớt nơi cành quá dày.

(2) Cây keo

Từ năm thứ 3 trở đi, cắt tỉa các cành ở độ cao 1,2 m bên dưới của cây. Cắt bỏ cành gãy, cành sâu bệnh.

e. Phòng trừ sâu bệnh hại

(1) Cây xoài

Theo các nghiên cứu điều tra, cây xoài bị sâu bệnh hại nhiều nhất ở miền Bắc từ tháng 12 đến tháng 4, do đó cần thực hiện tốt các biện pháp cắt tỉa thường xuyên và bón phân cân đối. Chăm sóc và phòng trừ cụ thể một số loại sâu bệnh hại dưới đây:

Rầy xanh (Idioscopus clypealis):

Gây hại từ tháng 10 đến tháng 6 năm sau, chích hút ngọn, lá non, cuống hoa làm cây còi cọc, chậm phát triển, rụng hoa và quả. Phòng trừ bằngcách dùng bẫy đèn bắt rầy trưởng thành và phun phòng trừ khi cây ra hoa bằng. Dùng thuốc bảo vệ thực vật có hoạt chất Carbosulfan, Etofenprox hoặc Fenoburcarb theo hướng dẫn sử dụng (như Marshal 0,2%, Trebon 10EC, Bassa 50EC). Phun 2-3 lần, mỗi lần cách 5-7 ngày.

Ruồi đục quả (Ceratitis cosyra):

Phòng bằng cách thu hoạch đúng thời điểm, dùng bẫy dụ ruồi hoặc bao quả bằng túi chuyên dụng.

Sâu đục thân hại xoài do Xén tóc (Cerambycidae):

Thường đẻ trứng vào các vết thương trên thân chính và cành lớn, sâu non hại phần dưới vỏ sau đó đục vào thân cây. Phòng trừ bằng cách quét nước vôi đặc phủ gốc cây, bẫy đèn diệt xén tóc trưởng thành. Nếu thấy lỗ đục cần tiến hành bơm tiêm nước vôi đặc hoặc thuốc có tính xông hơi mạnh có hoạt chất Methyl parathion hay Diazinon theo hướng dẫn sử dụng, sau đó bịt kín bằng đất sét.

Sâu đục cành đẻ trứng vào ngọn cành non, sâu non gây hại làm ngọn chết khô. Sâu gây hại mạnh vào mùa mưa (tháng 5-9). Cần phát hiện sớm sâu trưởng thành, tiêu hủy các cành bị hại. Có thể dùng thuốc bảo vệ thực vật có chứa hoạt chất Fipronil theo hướng dẫn sử dụng (như Regen 0,3RG), và phun khi có hiện tượng bị hại.

Bệnh thán thư (Glomerella cingulate):

Gây hại mạnh từ tháng 11 đến tháng 4. Gây hại trên lá non, chồi non, chùm hoa, quả. Gây hại mạnh khi thời tiết âm u, độ ẩm cao, nhiệt độ 25-30oC. Phòng trừ bằng thuốc bảo vệ thực vật có hoạt chất Copper oxychloride hoặc Copper hydroxide theo hướng dẫn sử dụng (như Champion 37.5SC, Viben – C 50WP, phun lên toàn bộ cây, phun 1,5 tháng/1 lần, dừng phun khi ra hoa và trước khi thu quả 20 ngày). Đảm bảo tốt các biện pháp tỉa cành, tỉa quả. Có thể dùng Ridomil Gold 68WG (chứa Mancozeb 640 g/kg + Metalaxyl-M 40 g/kg) phun sau khi cây ra hoa.

Xem thêm  Mô hình chè Shan - Cỏ chăn nuôi

Bệnh muội đen (Meliola mangiferae, Capnodium mangiferae, C. ramosum, Trichospermumacerinium, Microxyphium columnatum…):

Nấm bám thành mảng đen, giảm quang hợp của lá. Dùng thuốc bảo vệ thực vật có chứa hoạt chất Etofenprox theo hướng dẫn sử dụng (như Trebon 0,2%).

Bệnh nấm phấn trắng (Oidium mangiferae Berthet):

Hại chùm hoa và quả non mới đậu, gây rụng hoa và quả. Dùng thuốc bảo vệ thực vật có hoạt chất Benomyl theo hướng dẫn sử dụng (như Benotigi 5WP). Phun phòng khi ra hoa hoặc định kỳ 10-15 ngày/lần khi xuất hiện bệnh.

Bệnh thối quả:

Gây hại mạnh khi ẩm và mưa. Phòng trừ bằng biện pháp thu hoạch phù hợp tránh giập nát hoặc xây xát; xử lý nước ấm 55oC hòa vôi loãng để ngăn ngừa bệnh.

(2) Cây ngô

Sâu xám trong đất (Agrotis ipsilon):

Dùng thuốc bảo vệ thực vật có hoạt chất Diazino theo hướng dẫn sử dụng (như Vibasu 10GR chứa Diazinon 10% w/w. Gói 1 kg cho diện tích 1000-1200 m2, rải vào đất trước khi gieo hạt).

Sâu đục thân, đục bắp (Ostrinia nubilalis):

Dùng thuốc bảo vệ thực vật có hoạt chất Dimethoate hay Fenobucarb theo hướng dẫn sử dụng (như Vibam 5 RG chứa hoạt chất Dimethoate 3% + Fenobucarb 2%. Dùng 1,5-2 kg cho 1000 m2 rắc 4-5 hạt vào đọt ngô khi thấy bướm của sâu đục thân xuất hiện.

Khô vằn (Rhizoctonia solani):

Dọn sạch bớt lá gốc khi xuất hiện bệnh.

f. Quản lý hệ thống

(1) Cỏ

Cỏ là cây cho thu hoạch sớm nhất trong hệ thống, thường là 3 tháng sau trồng. Năng suất cỏ trong hệ thống này đạt cao nhất từ năm thứ 2, đạt tới 15 tấn/ha/năm và giảm dần từ năm thứ 5. Tại Tây Bắc, mùa mưa có thể thu hoạch 30 ngày/lần, mùa khô có thể thu hoạch 45 ngày/lần. Tùy số lượng gia súc của nông hộ có thể cắt lần lượt, tuy nhiên tránh thu hoạch muộn khi cỏ đã ra hoa làm giảm dinh dưỡng trong thân và lá cỏ. Sau 5 năm thu hoạch có thể trồng mới lại cỏ để duy trì hiệu quả của hệ thống, tuy nhiên cần điều chỉnh khoảng cách băng cỏ do tán cây xoài đã phát triển rộng.

(2) Xoài

Cây xoài ghép thường năm thứ 2-3 sau trồng đã bói quả, tuy nhiên tùy theo sự phát triển của cây nên hái bỏ hoa và thường chỉ giữ lại hoa từ năm thứ 4. Vụ thu hoạch hàng năm từ giữa tháng 5 đến đầu tháng 7 tại Tây Bắc.

(3) Keo

Cây keo cho thu hoạch năm thứ 7, sau đó có thể trồng lại hoặc thay bằng cây khác theo nhu cầu thị trường và giá trị cao hơn.

(4) Ngô

Tại Yên Bái có thể trồng 2 vụ ngô. Vụ 1 trồng khoảng tháng 2 đến tháng 3; vụ 2 trồng khoảng tháng 7 đến tháng 8 khi có mưa. Tại Sơn La và Điện Biên trồng 1 vụ khoảng tháng 4 đến tháng 5 khi có mưa.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *