Kỹ thuật canh tác ngô bền vững trên đất dốc

a. Chọn giống ngô thích hợp

Để sản xuất ngô đạt hiệu quả cao, việc đầu tiên là cần chọn lựa trồng các giống ngô tốt và phù hợp với điều kiện địa phương. Các giống ngô khác nhau có những đặc điểm, thời gian sinh trưởng, chống chịu sâu bệnh và thích ứng với điều kiện ngoại cảnh khác nhau. Cần lựa chọn giống ngô thích hợp với điều kiện cụ thể về đất đai, thời tiết và mục đích sử dụng để việc trồng ngô cho hiệu quả cao.Tùy thuộc vào nguồn gốc giống có thể chia các giống ngô thành hai nhóm:

  • Nhóm các giống ngô mới, năng suất cao (bao gồm chủ yếu các giống ngô lai);
  • Nhóm các giống ngô địa phương: Những giống ngô thuần được nông dân lưu giữ và phát triển qua nhiều năm, được chia làm hai nhóm: ngô nếp vàng, ngô tẻ. Các giống ngô này có khả năng thích ứng cao với điều kiện đất đai, thời tiết tại địa phương (khô hạn, rét, ít đòi hỏi đầu tư phân bón) và có chất lượng ngon, nhưng năng suất thường thấp hơn so với ngô lai. Với các giống ngô này nông dân vẫn thường tự để giống cho vụ sau.

Chọn giống ngô thích hợp

Tùy thuộc vào thời gian sinh trưởng, giống ngô được chia làm ba nhóm:

  • Nhóm giống ngô ngắn ngày: Có thời gian sinh trưởng khoảng 95- 115 ngày. Những giống ngắn ngày được lựa chọn sử dụng trong cơ cấu tăng vụ. Đối với cơ cấu 1 vụ ở một số nơi, các giống ngắn ngày được lựa chọn để dễ dàng bố trí vào các khung mùa vụ phù hợp nhằm tránh được tối đa các rủi ro về thời tiết.
  • Nhóm giống ngô trung ngày: Có thời gian sinh trưởng khoảng 110-120 ngày.
  • Nhóm giống ngô dài ngày: Có thời gian sinh trưởng khoảng 125- 135 ngày. Thông thường, các giống dài ngày được sử dụng trong cơ cấu 1 vụ.

Địa hình vùng miền núi đa dạng và phức tạp, đi lại rất khó khăn. Khí hậu chia thành nhiều tiểu vùng khác nhau, điều kiện đất đai cũng đa dạng, việc trồng ngô phụ thuộc vào nước trời, trình độ thâm canh của bà con ở các nơi khác nhau cũng khác nhau. Do đó cần lựa chọn các giống ngô phù hợp.

Các giống ngô cần có khả năng chịu hạn, thích ứng rộng, chịu được các điều kiện khắc nghiệt của thời tiết, đồng thời phù hợp với tập quán canh tác và sử dụng ngô của đồng bào.

Hiện có rất nhiều các giống ngô trên thị trường. Đặc tính của mỗi giống và các hướng dẫn về mức phân bón cũng như thời vụ, kỹ thuật trồng chăm sóc đối với mỗi giống được ghi trên các bao bì giống. Cần đọc kỹ các hướng dẫn này trước khi lựa chọn và sử dụng giống.

b. Kỹ thuật làm đất tối thiểu kết hợp che phủ

Nguyên tắc cơ bản là không đốt nương, không cày xới đất, chỉ làm cỏ và giữ lại toàn bộ thân xác cỏ và tàn dư thực vật từ vụ trước để che phủ đất, và chỉ làm đất tối thiểu để tra hạt và bón phân lót.

* Làm cỏ bằng tay:

Cách này thường được nông dân sử dụng để chuẩn bị đất trồng ngô vụ xuân hè (để gieo ngô vụ 1). Ưu điểm là ít đầu tư, tận dụng công nông nhàn đầu năm. Cách làm: Dùng bay, cuốc, tay làm cỏ, không đốt mà giữ lại rải đều trên mặt nương. Nếu vật liệu tại chỗ ít, nên bổ sung thân xác thực vật để che phủ được kín bề mặt đất.

* Dùng thuốc trừ cỏ:

Để tiết kiệm thời gian trong việc chuẩn bị đất trồng ngô, có thể dùng thuốc trừ cỏ. Cần xác định đúng loại cỏ và thời kỳ sinh trưởng, phát triển của cỏ để lựa chọn sử dụng đúng thuốc thì mới hiệu quả. Tuân thủ nguyên tắc 4 đúng (đúng thuốc, đúng lúc, đúng liều và đúng cách) khi sử dụng thuốc trừ cỏ.

Ghi nhớ nguyên tắc 4 đúng khi dùng thuốc: (1) đúng thuốc, (2) đúng lúc, (3) đúng liều lượng, và (4) đúng cách.

Lưu ý:
(1) Với các thuốc tiếp xúc cần phun sao cho tất cả các bộ phận của cây cỏ đều được tiếp xúc với thuốc, vì chỉ những phần tiếp xúc với thuốc mới bị chết. Nếu cỏ quá cao tốt có thể phát qua trước khi phun. Nếu phun đều thuốc thì chỉ sau phun 2-3 giờ cỏ đã bị héo, sau 2-3 ngày cỏ chết hoàn toàn, có thể tiến hành gieo trồng được.

 (2) Với các thuốc nội hấp cần phun khi thân lá cỏ còn xanh tốt (không nên phát trước khi phun, trừ khi cây cỏ quá cao, tốt), vì như vậy thuốc mới dễ dàng được hấp thụ qua lá và vận chuyển tới các bộ phận khác của cây để phát huy tác dụng.

Đối với ngô trồng vụ thứ 2: Thông thường, không cần dùng thuốc trừ cỏ. Sau khi bẻ bắp ngô vụ 1, dùng dao sắc chặt thân cây ngô (chú ý để lại gốc ngô cao khoảng 20 cm (để tạo thành hàng cọc) sau đó đặt thân cây ngô nằm ngang theo các hàng ngô cũ. Bổ hốc, tra hạt ngô vào giữa mỗi hai hàng ngô cũ. Hàng gốc ngô còn lại có tác dụng giữ cho vật liệu che phủ không bị xô, dồn và trôi mất.

Xem thêm  Kỹ thuật trồng và chăm sóc Ớt (Capsium frutescens L)

* Che phủ đất bằng tàn dư thực vật:

Sau khi cào cỏ hoặc phun thuốc trừ cỏ, toàn bộ vật liệu được giữ lại để che phủ đất. Với các năm đầu áp dụng phương pháp này, tàn dư vụ trước và cỏ dại giữ lại chỉ khoảng 2-3 tấn khô/ha. Vì thế nếu có điều kiện, có thể bổ sung thêm vật liệu che phủ sao cho lớp phủ đủ kín đất, đủ dày để có tác dụng và hiệu quả tốt.

Cách làm: Rải đều vật liệu che phủ trên mặt đất. Cần thực hiện 15-20 ngày trước gieo trồng để lớp phủ xẹp xuống, thuận lợi cho việc gieo ngô, thuận tiện cho việc đi lại, và giúp giữ ẩm đất được tốt

Lưu ý, đối với những vật liệu dài (như lá mía, thân ngô…) cần đặt vật liệu song song với đường đồng mức. Khi gieo ngô cần tránh không cho vật liệu phủ trên hạt ngô, để tránh ảnh hưởng đến sự nảy mầm của hạt.

c. Kỹ thuật trồng xen cây họ Đậu

* Phương pháp trồng xen theo kiểu dồn hàng:

Việc trồng ngô theo kiểu dồn hàng sẽ không làm thao đổi số lượng cây và bắp ngô trên một đơn vị diện tích, và không làm giảm năng suất ngô. Mật độ cây trồng xen phụ thuộc vào loại cây trồng xen. Nếu cây trồng xen có sinh khối không quá lớn như lạc và đậu tương thì có thể trồng 2 hàng cây trồng xen vào giữa 2 hàng ngô. Với những loại cây có sinh khối lớn, thân lá dài như đậu đen hay đậu nho nhe thì chỉ nên trồng 1 hàng vào giữa 2 hàng ngô. Khoảng cách giữa các hốc tùy thuộc vào loại cây trồng.

Phương pháp trồng xen lạc, đậu tương với ngô theo cách dồn hàng được mô phỏng theo hình và sơ đồ dưới đây:

Phương pháp trồng xen theo kiểu dồn hàng

* Bón phân: Kỹ thuật bón phân cho ngô tương tự với kỹ thuật bón phân khi ngô trồng thuần (xem phần dưới). Phân bón cho các cây trồng xen cần được tính toán trên cơ sở dưới đây:

– Cây lạc:

+ Đạm (N): là yếu tố dinh dưỡng rất quan trọng đối với cây lạc. Thiếu đạm cây sinh trưởng kém, lá vàng, thân có màu đỏ, ít quả, năng suất thấp. Nhu cầu về đạm của lạc rất lớn: Để đạt 1 tấn quả khô cần 50-70 kgN.

Có 2 nguồn đạm cung cấp cho lạc: Đạm do bộ rễ hút từ đất và đạm do vi khuẩn nốt sần cộng sinh ở rễ cố định được. Nguồn đạm do vi khuẩn nốt sần cố định được có thể đáp ứng 50-70% nhu cầu đạm của cây lạc. Tuy nhiên, các nốt sần chỉ xuất hiện khi lạc có nhánh và ra hoa. Do vậy khi cây được 3-5 lá cần bón 1 lượng đạm nhằm tạo điều kiện cho cây sinh trưởng mạnh, thúc đẩy sự phát triển của vi khuẩn nốt sần cố định đạm ở giai đoạn sau. Thời kỳ cây lạc có nhu cầu về đạm nhiều nhất là lúc cây ra hoa, làm quả và hạt. Vì vậy khi thấy lạc ra hoa cần bón đạm bổ sung.

Xem thêm  Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây Bạch chỉ (Angelica dahurica Benth. et Hook.f)

+ Lân (P): là yếu tố dinh dưỡng quan trọng với lạc. Nó có tác dụng lớn đến sự phát triển nốt sần, sự ra hoa và hình thành quả. Lượng lân cây hấp thu không lớn, để đạt 1 tấn quả khô lạc chỉ sử dụng 2-4 kg P2O5. Lạc hấp thu lân nhiều nhất ở thời kỳ ra hoa và hình thành quả.

+ kali (K): Cây hấp thu kali tương đối sớm và có 60% nhu cầu kali cây được hấp thu trong thời kỳ ra hoa làm quả. Để đạt 1 tấn quả khô thì cần hút 12 kg K2O.

+ Canxi (Ca): Trồng lạc không thể thiếu canxi. Canxi không những là chất dinh dưỡng cần thiết cho cây mà còn làm tăng độ pH của đất tạo môi trường thích hợp cho vi khuẩn cố định đạm phát triển. Thời kỳ cây lạc cần nhiều canxi là khi hình thành quả và hạt. Biểu hiện thiếu canxi là chồi cây có màu tối, nảy mầm yếu, cây con sinh trưởng chậm quả xốp, hạt nhỏ và nhăn vỏ. Ngoài ra, nếu có điều kiện thì bón thêm các loại phân trung lượng (ví dụ: Lưu huỳnh (S), các loại phân vi lượng (sắt, bo, kẽm, molipden).

Lượng phân bón cho lạc: Phân urê: 55-75 kg/ha; supe lân (hoặc lân Văn Điển): 350-450 kg/ha; kali clorua: 80-120 kg; Vôi: 300-500 kg/ha

d. Kỹ thuật sử dụng thuốc trừ cỏ trong làm đất tối thiểu

* Dùng thuốc trừ cỏ: Để tiết kiệm thời gian trong việc chuẩn bị đất trồng ngô, có thể dùng thuốc trừ cỏ. Cần xác định đúng loại cỏ và thời kỳ sinh trưởng, phát triển của cỏ để lựa chọn sử dụng đúng thuốc thì mới hiệu quả. Tuân thủ nguyên tắc 4 đúng (đúng thuốc, đúng lúc, đúng liều và đúng cách) khi sử dụng thuốc trừ cỏ.

– Đối với cỏ hòa thảo hàng năm, không có thân ngầm: phun các thuốc trừ cỏ tiếp xúc (hay còn gọi là thuốc gây cháy), như thuốc chứa hoạt chất Paraquat (thuốc trừ cỏ được phổ biến giới thiệu sử dụng hiện nay là Gramoxone 20SL). Phun trước khi hạt cỏ chín và phát tán, như vậy mới tiêu diệt được cả hạt, nếu không hạt cỏ rơi xuống đất sẽ lại nảy mầm và phát triển. Trường hợp hạt cỏ đã chín và rụng xuống đất nên phun kép: sau khi phun lần 1 đợi sau khi những hạt cỏ dưới đất mọc, phát triển được 2-3 lá thì phun tiếp lần nữa. Có thể thêm 1 chút đạm khi pha thuốc để thuốc có tác dụng tốt hơn. Phun trước khi gieo trồng ngô ít nhất là 1 tháng để cỏ chết và thân lá cỏ xẹp xuống, thuận lợi cho việc gieo ngô.

– Đối với cỏ thân ngầm (cỏ tranh, cỏ gấu…): phun các thuốc nội hấp (có gốc Glyphosate). Cần phun khi cây cỏ có bộ phận thân lá trên mặt đất đủ lớn thuốc mới có tác dụng. Phun trước khi gieo trồng ngô ít nhất là 1 tháng để cỏ chết và thân lá cỏ xẹp xuống, thuận lợi cho việc gieo ngô. Các loại thuốc chứa hoạt chất Glyphosate có tác dụng không chọn lọc, có thể diệt nhiều loại cỏ 1 lúc.

– Đối với vụ hai: vì sau khi thu hoạch vụ 1 cần nhanh chóng gieo trồng vụ 2 để đảm bảo mùa vụ, vì thế nên sử dụng thuốc trừ cỏ tiếp xúc (chứa hoạt chất Paraquat). Ưu điểm của thuốc này là sau phun 2-3 ngày cỏ đã chết hoàn toàn, có thể gieo ngô vụ 2 được. Mặt khác, những thân lá ngô vụ xuân-hè thường rất tươi, gây khó khăn cho việc gieo trồng (vì lý do này mà nông dân thường đốt sơ qua thân lá ngô trước khi gieo hạt), vì vậy, việc dùng thuốc trừ cỏ để chuẩn bị nương trước gieo trồng ngày càng được nông dân áp dụng nhiều. Loại thuốc thường được khuyến cáo dùng là Gramoxone 20SL.

– Liều lượng thuốc và cách phun thuốc: Theo hướng dẫn cụ thể cho từng loại thuốc.

e. Các kỹ thuật chăm sóc và quản lý khác

* Gieo ngô: Dùng cuốc hoặc bay cuốc hốc để tra hạt. Cũng có thể dùng trâu cày rạch hàng để tra hạt. Lưu ý giữ nguyên lớp phủ, không di chuyển. Sau khi tra hạt, cố gắng không để vật liệu phủ che lấp miệng hốc. Khoảng 7-10 ngày sau gieo nên kiểm tra sự nảy mầm của hạt ngô, nếu tỷ lệ nảy mầm thấp (dưới 85%) thì phải gieo dặm bổ sung ngay.

Xem thêm  Lạc dại (Arachis pintoi) - Cây che phủ đất tốt

Lưu ý: Không để vật liệu che phủ lấp trên hạt ngô để không ảnh hưởng tới sự nảy mầm của hạt.
Khoảng cách: 35 × 60 cm, hoặc 22 × 70 cm (khoảng 6,5 vạn cây/ha), lượng giống: 18-20 kg/ha, gieo 1-2 hạt/hốc, cách trồng: cuốc hốc hoặc chọc lỗ tra hạt, độ sâu lấp hạt từ 3-4 cm.

* Bón lót phân khi gieo ngô: Nếu dùng NPK và phân chuồng, bón toàn bộ NPK và phân chuồng làm phân lót. Nếu dùng các loại phân N, P, K riêng rẽ, thì bón lót toàn bộ phân lân và toàn bộ phân chuồng, 50 kg phân đạm và 80 kg phân kali. Lượng phân có thể được điều chỉnh cho phù hợp với yêu cầu, tùy vào độ phì của đất.

– Cách bón: Rạch hàng sâu, rải đều phân bón vào rãnh, sau đó lấp 1 lớp đất mỏng rồi tra hạt. Nếu rạch hàng bằng cày trâu, rãnh cày rộng chỉ cần rải đều phân bón vào 1 bên mép rănh cày, sau đó gieo hạt giống ở mép rãnh cày còn lại, hoặc Nếu bổ hốc thì cho phân vào hốc, lấp một lớp đất mỏng rồi tra hạt ngô lên trên, hoặc Bón phân vào hốc khác không cùng với hốc tra hạt ngô: Bổ hốc, bón phân vào hốc, và gieo hạt ngô vào 1 hốc khác cách vị trí hốc bón phân từ 3-5 cm.

Lưu ý: Không để hạt giống tiếp xúc với phân bón hoặc quá gần phân bón, tránh cho hạt giống không bị thối, héo và cây con không bị chết.

* Làm cỏ: Khi áp dụng che phủ, nếu lớp phủ đủ dày và kín mặt đất cỏ dại sẽ bị khống chế hoàn toàn và không cần phải làm cỏ. Tuy nhiên, trong phần lớn trường hợp do vật liệu che phủ không đủ nên cỏ dại sẽ phát triển. Nếu cỏ mọc ít thì làm cỏ bằng tay. Làm cỏ bằng tay thường được thực hiện cùng với bón phân lót lần 1 và lần 2 kết hợp làm cỏ và vun gốc, bón phân. Khi cỏ dại mọc nhiều, không đủ công để làm bằng tay có thể dùng thuốc trừ cỏ. Đối với ngô trồng xen với các cây họ đậu, tốt nhất nên làm cỏ bằng tay. Trường hợp dùng thuốc trừ cỏ cần rất cẩn thận để cây trồng xen không bị ảnh hưởng.

* Bón phân thúc: Việc bón thúc cần căn cứ nhu cầu thực tế. Cần quan sát nương ngô để xác định thời điểm và loại, lượng phân cần bón. Bón đủ, bón đúng các loại phân, bón đúng cách hướng dẫn thì mới hiệu quả. Bón thừa phân, hoặc quá nhiều đạm cây dễ bị đổ, lốp. Ngược lại, bón ít hoặc thiếu phân thì cây sẽ sinh trưởng kém, cho năng suất và chất lượng bắp kém. Ở điều kiện đất bình thường, trung bình lượng và loại phân bón, cách bón dưới đây được khuyến cáo:

Bón thúc lần 1: Khi cây ngô được 3-4 lá (sau gieo khoảng 15-20 ngày), kết hợp với làm cỏ cho ngô. Bón một nửa tổng lượng phân dành cho bón thúc (tức là bón khoảng 150 kg đạm urê và 50 kg KCl cho 1 ha). Chọn thời điểm đất còn ẩm (tốt nhất sau khi mưa). Bón phân cách gốc 5-10 cm có thể gạt lớp che phủ ra 2 bên, bón phân xuống, sau đó gạt lớp che phủ lại để che kín phân.

Bón thúc lần 2: Khi cây ngô được 9 – 10 lá (khoảng 40 – 45 ngày sau khi trồng). Bón toàn bộ lượng phân còn lại. Cách bón tương tự như ở lần bón thúc 1.

Chú ý: Ở lần bón thúc thứ 2, lúc này cây ngô đã lớn, lá ngô đã đan xen vào giữa rãnh, quá trình đi lại bón phân, làm cỏ, vun xới cần cẩn thận, tránh làm gãy lá ngô.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *