Sản xuất vật liệu cho canh tác hữu cơ

1. Điều chế thuốc trừ sâu tự nhiên từ tỏi

CÔNG DỤNG TRỪ SÂU BỆNH CỦA TỎI

• Tỏi có đặc tính sát khuẩn, diệt nấm, xua đuổi và gây khó chịu cho động vật ăn nó;
• Tỏi có hiệu lực chống lại nhiều loại sâu bệnh ở các giai đoạn khác nhau trong một vòng đời của chúng (trứng, sâu non, con trưởng thành). Các loại này gồm kiến, mối, rệp, bọ, ve, sâu khoang, sâu xanh bướm trắng, sâu tơ, sâu đục quả đào, bọ nhảy, bọ cánh cứng, chuột cũng như nấm và vi khuẩn. Tỏi cũng có tác dụng diệt trừ ốc sên;
• Bệnh tuyến trùng cũng có thể bị khống chế khi đất bị sũng ướt cùng với dung dịch nước tỏi. Tuy nhiên, biện pháp này cũng tiêu diệt nhiều loại côn trùng và vi khuẩn có ích ở trong đất.

ĐIỀU CHẾ

• Trộn đều 100 gram nhánh tỏi khô đã nghiền nát với 0,5 lít nước có xà phòng tự nhiên (quả bồ hòn, quả gang. Không sử dụng bột xà phòng giặt hiện đại có chứa natri hydroxit vì chứa hoá chất và gây hại cho cây trồng);
• Lọc hỗn hợp trên bằng vải thưa. Pha loãng dung dịch với 5 lít nước.

CÁCH SỬ DỤNG

• Lắc trộn đều dung dịch trước khi phun cho cây;
• Sử dụng bình phun dành cho ruộng hữu cơ (tuyệt đối không được dùng bình phun thuốc hoá học để phun cho ruộng hữu cơ) hoặc nhúng ngọn của một túm cỏ để vẩy rắc dung dịch lên trên cây;
• Nên sử dụng hỗn hợp ngay để có hiệu quả tốt nhất.

PHUN BỘT TỎI

• Nghiền tán nhỏ củ tỏi khô. Bột tỏi có thể được sử dụng trực tiếp lên cây bị nhiễm sâu bệnh;
• Cách phun cũng có kết quả tốt bằng cách hòa bột tỏi với nước. Lượng bột tỏi tùy thuộc vào từng loại tỏi có chất lượng tốt hay không;
• Có thể khống chế bệnh ghẻ vỏ cây, nấm sương, gỉ sắt hại đậu và bệnh nấm sương trên cây cà chua.

2. Chế biến dung dịch tỏi

Nguyên liệu:
Tỏi (1kg) + Rượu (6 lít) + Đường đỏ (0,3kg)
Cách làm:
• Thái, nghiền mịn củ tỏi. Cho tỏi vào chum/ hộp, đổ rượu trắng vào với tỷ lệ 1:1 (1kg vật liệu ban đầu và 1 lít rượu);
• Sau 12 giờ, thêm đường đỏ với tỷ lệ 1:0,3 (1kg vật liệu ban đầu và 0,3kg đường đỏ) trộn đều đậy kín trong 5 ngày;
• Sau 5 ngày, tiếp tục cho thêm rượu với tỷ lệ 1:5 (1kg vật liệu ban đầu và 5 lít rượu) để 15 ngày. Tách riêng phần chất lỏng và bã;
• Phần chất lỏng cho vào lọ kín và để ở nơi râm mát. Đây là vật liệu nguyên chất dùng để pha loãng sử dụng dần.

3. Chế biến dung dịch Gừng

Nguyên liệu:
Gừng (1kg) + Rượu (6 lít) + Đường đỏ (0,3kg)
Cách làm:
• Thái/ nghiền mịn củ Gừng, đựng vào chum/ hộp, đổ rượu trắng vào với tỷ lệ 1:1 (1kg vật liệu ban đầu và 1 lít rượu);
• Sau 12 giờ, thêm đường đỏ với tỷ lệ 1:0,3 (1kg vật liệu ban đầu và 0,3kg đường đỏ) trộn đều đậy kín trong 5 ngày;
• Sau 5 ngày, tiếp tục cho thêm rượu với tỷ lệ 1:5 (1kg vật liệu ban đầu và 5 lít rượu) để 15 ngày. Tách riêng phần chất lỏng và bã;
• Phần chất lỏng cho vào lọ kín và để ở nơi râm mát. Đây là vật liệu nguyên chất dùng • để pha loãng sử dụng dần.

4. Chế biến dung dịch lá xoan

Nguyên liệu:
Hạt/ lá xoan (30 gam) + Nước (01 lít)
Cách làm:
• Giã hạt/ lá xoan, trộn vào 1 lít nước rồi ngâm qua đêm;
• Lọc dung dịch bằng vải rồi phun ngay cho cây không cần hoà thêm nước.

5. Kỹ thuật pha chế thuốc Booc-đô 1%

• Thuốc Booc-đô ở nồng độ 0,5-1% có hiệu lực trừ nấm bệnh: Các bệnh cháy lá, thối rễ, mốc sương cà chua, khoai tây, gỉ sắt cà phê, phồng lá chè, giác ban bông, chấm xám lá chè, đốm lá đậu tương, đốm nâu cam quýt, loét cam quýt,…;
• Thuốc Booc-đô 1% là hỗn hợp của đồng sunfat và nước vôi đặc và nước sạch.
Để pha 10 lít thuốc Boóc-đô nồng độ 1%, cần tiến hành như sau:
Bước 1: Cân đong đồng sunfat, vôi, nước (lưu ý: cân đong cần chính xác)
+ Cân 100 gam đồng sunfat (CuSO4);
+ Cân 100 gam vôi cục/ bột (hoặc 150-180 gam vôi tôi đặc). Đong 10 lít nước.
Bước 2: Pha nước vôi đặc
Lấy 100 gam vôi bột hoặc 150-180 gam vôi tôi đặc hoà vào 2 lít nước (còn gọi là nước vôi đặc).
Lưu ý: Cho vôi bột hoặc vôi tôi đặc vào nước và quấy đều cho tan nhanh trong nước, để cho lắng cặn, pha vào đồ đựng riêng rẽ.
Bước 3: Pha dung dịch sunfat đồng loãng
Lấy 100 gam đồng sunfat hoà vào 8 lít nước (còn gọi là dung dịch sunfat đồng loãng).
Lưu ý: Cho đồng sunfat vào nước và quấy đều. Pha vào nước ấm đồng sunfat sẽ tan nhanh hơn so với nước lạnh.
Bước 4: Pha trộn nước sunfat đồng loãng vào nước vôi đặc
Đổ từ từ nước sunfat đồng loãng vào nước vôi đặc, vừa đổ vừa quấy => nước booc-đô 1% có màu xanh.
Lưu ý: Tuyệt đối không được đổ nước vôi đặc sang nước đồng loãng vì sẽ sinh ra hiện tượng kết tủa, thuốc không có hiệu lực phòng trừ bệnh hại.
Bước 5: Kiểm tra độ pH của nước thuốc
Dùng giấy đo pH hoặc giấy quỳ để đo pH nước thuốc, nếu pH ở mức trung tính hay hơi kiềm (pH = 6,5-7,5) là được.
Lưu ý: Nếu ở địa phương không có giấy đo pH hoặc giấy quỳ thì kiểm tra độ pH của dung dịch thuốc mới pha như sau: Dùng 1 chiếc đinh được mài sáng (không gỉ) nhúng vào nước thuốc khoảng 10-15 phút, nhấc đinh ra, nếu đinh có màu sáng bình thường chứng tỏ nước thuốc ở mức pH trung tính hoặc kiềm. Nếu trên đinh có màu vàng xám chứng tỏ nước thuốc có độ pH thấp (chua), phải thêm vôi vào để đưa pH nước thuốc vì mức trung tính hoặc hơi kiềm. Khi pha thuốc xong phải phun luôn tránh làm giảm hiệu  lực của thuốc.

6. Kỹ thuật ủ phân chuồng hoai mục

6.1 Lợi ích của phân ủ hoai mục

• Làm mất sức nảy mầm của hạt cỏ lẫn trong phân chuồng (trâu, bò);
• Tiêu diệt các mầm bệnh có trong phân chuồng, nhất là khi gia súc bị bệnh;
• Làm tăng độ phì nhiêu, cải tạo đất bị suy thoái, tăng độ tơi xốp, giữ ẩm, hạn chế rửa trôi đất và giúp cây trồng hấp thu dinh dưỡng tốt hơn;
• Cung cấp dưỡng chất lâu dài và ổn định các kích thích tố giúp cho rễ cây phát triển nhanh hơn. Phân hữu cơ chứa các chất kháng sinh, các vi sinh vật đối kháng hay các vitamin để tăng khả năng chống chịu của cây trồng trong những điều kiện bất lợi;
• Hạn chế sự phát tán của vi sinh vật mang mầm bệnh; giảm sự ô nhiễm môi trường;
• Tăng chất lượng cho sản phẩm cây trồng;
• Tận dụng phế phụ phẩm nông nghiệp, giảm chi phí sản xuất;
• Tăng thu nhập, tăng hiệu quả kinh tế và bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

6.2 Quy trình làm phân ủ không dùng chế phẩm EM

NGUYÊN LIỆU:

Cần ít nhất 1 tấn nguyên liệu tương đương 1m3 (nếu to hơn nữa càng tốt) với tỷ lệ như sau:
• Cây phân xanh (50%): Các loại cành và lá cây non (cây chó đẻ, cây cứt lợn, cỏ, cây muồng lá nhọn, điền thanh, cốt khí, lạc và các cây họ đậu). Không dùng các loài cây có dầu (bạch đàn, quế, hương nhu, lá sả tươi) vì nó làm chết hệ sinh vật phân hủy;
• Chất độn khô (25%): Thân cây, cành cây, rơm rạ, vỏ trấu và mùn cưa;
• Phân chuồng (25%): Phân trâu, bò, lợn, gà, dê;
• Nước tưới: Tạo cho đống phân ủ có độ ẩm cần thiết (60%) để vi sinh vật phát triển.
Quy2Btr25C325ACnh2Bl25C325A0m2Bph25C325A2n2B25E125BB25A72Bkh25C325B4ng2Bd25C325B9ng2Bch25E125BA25BF2Bph25E125BA25A9m2BEM

CHUẨN BỊ:

• Cây phân xanh, rơm rạ được chặt khúc với chiều dài từ 20-30cm;
• Tưới nước lên nguyên liệu khô với lượng ẩm đạt 60%. Để kiểm tra bằng cách dùng tay bóp mạnh nắm nguyên liệu, nếu chúng dính chặt với nhau là được. Nếu bóp mà có nước ra ngoài kẽ tay là thừa nước, còn nếu các nguyên liệu rời nhau thì cần bổ sung nước.

TIẾN HÀNH Ủ PHÂN QUA CÁC BƯỚC NHƯ SAU:

Bước 1: Chọn một khoảng trống và không quá gần cây để tránh cho rễ cây ăn chất dinh dưỡng trong đống phân ủ.
Bước 2: Tập trung tất cả các loại vật liệu tại địa điểm ủ phân.
Bước 3: Tạo đống phân ủ ít nhất 1m3 bằng cách làm nhiều lớp, mỗi lớp dày khoảng 15-20cm.
• Lớp dưới cùng lót rơm rạ, cành cây dày 20-30cm rồi rải lần lượt:
– Lớp vật liệu từ cây xanh dày 10-15cm;
– Lớp chất độn khô (rơm rạ đã tưới đẫm nước) dày 10-15cm;
– Lớp phân chuồng ướt dày 10-15cm.
Tiếp tục cho đến khi hết lượng nguyên liệu đã chuẩn bị.
• Lớp trên cùng là bao dứa, lá cây cọ, ván tre đan, trát bùn đất. Mục đích để che mưa và tạo nhiệt cho đống phân ủ.
Bước 4: Tạo hình đống (hình tròn, hình thang) và không nên làm cao quá 1,5m để thuận tiện cho việc tạo đống.
Trong quá trình ủ phân việc sinh nhiệt trong đống phân rất quan trọng, yêu cầu sau 2-3 ngày nhiệt độ khối phân ủ phải đạt từ 60-70oC.
Cách kiểm tra nhiệt có thể làm như sau: Trong lúc làm phân ủ, dùng một cành cây tươi (xoan, bạch đàn hoặc tre) cắm vào giữa khối phân ủ. Sau 2-3 ngày, rút cành cây ra khỏi đống phân và sờ vào phần cắm trong khối phân ủ, nếu thấy nóng mạnh là đạt yêu cầu.

MỘT SỐ LƯU Ý:

• Sau 2 tuần thì đảo phân lần thứ nhất, đảo lần 2 sau 3 tuần tiếp theo;
• Trong lúc đảo nếu thấy phân khô thì phải bổ sung nước bằng cách dùng ô doa để tưới;
• Đống phân ủ đạt yêu cầu là không còn mùi phân tươi mà có mùi thơm hơi chua, phân tơi xốp và có màu nâu đen.

NẾU DÙNG CHẾ PHẨM EM ĐỂ Ủ PHÂN CẦN LƯU Ý:

• Chỉ dùng chế phẩm dạng lỏng với lượng 1 lít EM cho 1 tấn nguyên liệu;
• Pha loãng chế phẩm với nước sạch theo tỷ lệ 100ml EM pha với 10 lít nước;
• Phun hỗn hợp vừa pha cho ướt đều rơm rạ, phân xanh;
• Sau đó ủ phân theo 4 bước như trên.
Xem thêm  Tìm hiểu Nguyên tắc và tiêu chuẩn GACP-WHO

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *