Luân canh, xen canh, đa dạng hoá cây trồng và nguyên tắc sử dụng thuốc

Luân canh, xen canh và đa dạng hoá cây trồng

Luân canh, xen canh, gối vụ không chỉ tăng thu nhập mà còn tạo vật liệu để che phủ đất. Một số các cây ngắn ngày, mọc nhanh, nhất là các cây Họ đậu, có khả năng cải tạo đất rất tốt. Một số cây khác có bộ rễ phát triển khoẻ, sâu có thể hút dinh duỡng từ trong lòng đất và có tác dụng như những “bơm sinh học” giúp cải tạo tầng đất canh tác. Ngoài ra, xen canh các loài cây có bộ rễ phát triển nông và sâu có tác dụng điều hoà dinh dưỡng và giữ độ tơi xốp của đất. Luân canh còn có tác dụng chống tích tụ, loại bỏ những nguồn sâu bệnh gây hại cây trồng.

Thân xác của các cây trồng xen, cây che phủ đất là nguồn chất hữu cơ giàu có, sau khi phân hủy sẽ làm giàu dinh dưỡng và độ mùn trong đất. Cũng có thể trồng luân canh, trồng xen canh các cây làm thức ăn gia súc để phát triển chăn nuôi.

Luân canh, xen canh và đa dạng hoá cây trồng

Sử dụng phân bón và thuốc trừ cỏ theo nguyên tắc 4 đúng:

Cây trồng cần một lượng dinh dưỡng nhất định để sinh trưởng, phát triển và cho năng suất. Thông thường, chúng hút dinh dưỡng có ở trong đất. Tuy nhiên, ở nhiều nơi, dinh dưỡng trong đất không đủ cho cây. Do vậy, cần bón bổ sung một lượng phân hợp lý để cho cây trồng sinh trưởng, phát triển được tốt.

Xem thêm  Các mô hình nông lâm kết hợp phổ biến ở Việt Nam

Để phân bón được sử dụng hiệu quả và hạn chế được ảnh hưởng xấu của dư lượng phân bón tới môi trường, cần tuân thủ nguyên tắc 4 đúng: (1) Đúng loại phân, (2) Đúng lúc, (3) Đúng cách, (4) Đúng liều lượng.

Ở những nơi đất chua (đất có độ pH thấp, dưới 5), đất bị nhiễm độc nhôm sắt, hoặc đất bị nén chặt, rễ cây trồng không thể phát triển được tốt. Khi đó áp dụng biện pháp che phủ đất sẽ giúp cho rễ cây có thể khai thác dinh dưỡng ngay dưới và/ hoặc từ lớp che phủ thực vật. Trên thực tế, rễ nhiều loại cây trồng có phần lớn miền hút nằm ngay sát lớp che phủ, thậm chí trong lớp che phủ, nếu ẩm độ được duy trì ở mức thích hợp. Vì vậy, việc che phủ đất bằng xác thực vật và bón phân vào lớp che phủ tăng hiệu quả sử dụng phân bón.

Tương tự như vậy, bốn đúng là nguyên tắc cần được tuân thủ nghiêm ngặt khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), nhằm đạt hai mục tiêu: (i) An toàn cho người, sinh vật có ích và môi trường và (ii) Đạt hiệu quả kinh tế cao trong việc bảo vệ cây trồng và nông sản, chống lại tác hại do dịch hại gây ra cho mùa màng.

Bốn đúng bao gồm: (1) Đúng thuốc, (2) Đúng lúc, (3) Đúng liều lượng, và (4) Đúng cách.
Cụ thể như sau:

Xem thêm  Lõi thọ(Tu hú) - Gmelina arborea Roxb và Cây hông (chõ xôi, mạy dọc, mạy hang) - Paulownia fortuney Hemsl

(1) Đúng thuốc:

Phải căn cứ vào đối tượng hại sâu, bệnh hại và cây trồng mà dùng thuốc cho đúng. “Bệnh nào thuốc nấy”. Nên chọn sử dụng loại thuốc có hiệu quả cao với loại dịch hại cần trừ, ít độc hại với người, ít tác động xấu tới môi trường và thiên địch. Tuyệt đối không sử dụng những loại thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ, thuốc không có tên trong danh mục thuốc được phép sử dụng, thuốc đã bị cấm sử dụng. Thực hiện đúng các quy định đối với thuốc trong danh mục các thuốc hạn chế sử dụng.

(2) Đúng lúc:

Dùng thuốc sớm quá, khi sâu bệnh xuất hiện còn ít, sẽ gây lãng phí. Ngược lại, phun muộn quá, khi cây trồng đã bị phá hại nhiều, sâu bệnh đã qua thời kỳ mẫn cảm với thuốc thì thuốc không còn tác dụng diệt trừ sâu bệnh nữa. Để phun thuốc đúng lúc, cần theo dõi, kiểm tra đồng ruộng thường xuyên, quan sát thời điểm xuất hiện, chiều hướng phát triển của sâu bệnh, đặc điểm thời tiết, giai đoạn sinh trưởng của cây trồng để xác định thời điểm dùng thuốc thích hợp nhất. Cần sử dụng thuốc khi dịch hại phát triển tới ngưỡng gây hại, khi sâu đang còn nhỏ (tuổi 2, 3). Khi thiên địch đang tích lũy và phát triển, cần thận trọng trong việc dùng thuốc. Không phun thuốc khi trời đang nắng nóng, khi đang có gió lớn, sắp mưa, khi cây đang nở hoa thụ phấn.

Xem thêm  Đường đồng mức và kỹ thuật tạo đường đồng mức

(3) Đúng liều lượng và nồng độ:

Chỉ khi được sử dụng đúng liều lượng thì thuốc mới có tác dụng. “Thuốc có liều”. Lượng thuốc cần dùng cho một đơn vị diện tích và độ pha loãng của thuốc cần được thực hiện theo đúng chỉ dẫn trên nhãn thuốc. Việc tăng, giảm liều lượng và nồng độ không đúng cách sẽ làm cho thuốc không có tác dụng như mong muốn, và còn là một trong những nguyên nhân gây hiện tượng “kháng thuốc” của dịch hại.

(4) Đúng cách:

Có loại thuốc dạng bột, có loại dạng sữa, có loại dạng hạt… Đối với mỗi loại thuốc cần sử dụng theo đúng cách mới có hiệu quả. Có loại dùng để phun, có loại xông hơi, có loại dùng để rắc trực tiếp vào đất… Cần đọc kỹ hướng dẫn để nắm được và dùng cho đúng. Cần phun rải đều và chú ý những nơi sâu bệnh tập trung nhiều. Thuốc dùng sai cách không những không có tác dụng mà còn có hại cho người, vật nuôi, môi trường và cây trồng.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *