Kỹ thuật trồng thảo quả (Amomum aromaticum Roxb) trong tán rừng trồng

Thảo quả là một trong những loại cây dược liệu có giá trị kinh tế cao cho vùng miền núi phía Bắc. Thảo quả (Amomum aromaticum Roxb) còn có tên gọi khác là: Đò ho, Thảo đậu khấu, Mác hấu. Thuộc họ: Gừng – Zingiberaceae. Hạt thảo quả là thuốc chữa đau bụng, đầy chướng, nấc, nôn ọe, tiêu chảy, sốt rét, hôi miệng, sâu răng… Bên cạnh công dụng làm thuốc, thảo quả còn được dùng nhiều làm gia vị. Hạt thảo quả có hàm lượng tinh dầu 1-1,5%, vị cay, dùng làm gia vị ăn liền với thịt, cá và còn được dùng trong sản xuất bánh kẹo.

Cây thảo quả sống lâu năm, cao 2 – 3 m, thân rễ to, phân cành, mọc thành cụm. Cụm hoa dạng bông, mọc từ gốc thân, dài 15 – 20 cm. Đài dạng ống, tràng hoa màu vàng. Quả mọc thành chùm, hình trứng, màu đỏ tía. Hạt màu vàng nâu, có áo hạt, vị ngọt, mùi thơm hơi cay. Thảo quả là cây đặc biệt ưa bóng, ưa ẩm nên chỉ có thể trồng được dưới tán rừng, ở độ cao 1.300 – 2.200 m, có khí hậu ẩm mát quanh năm, nhiệt độ trung bình năm 13 – 15,3oC, thường xuyên có sương mù, lượng mưa 3.500 – 3.800 mm/năm, độ ẩm không khí trung bình từ 90% đến bão hòa.

Hiện thảo quả mọc tự nhiên hoặc trồng tập trung ở các tỉnh giáp biên giới Việt – Trung như Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu. Với mật độ trồng phân tán trong rừng khoảng 2.000 cây/ha cho năng suất trung bình 100-120 kg thảo quả khô. Với giá thảo quả khô hiện nay trung bình khoảng 150.000 đ/kg, mỗi ha trồng thảo quả dưới tán rừng, người dân có thu nhập thêm khoảng 15-18 triệu đồng.

Xem thêm  Kỹ thuật canh tác ngô bền vững trên đất dốc

Kỹ thuật trồng thảo quả (Amomum aromaticum Roxb) trong tán rừng trồng

a. Kỹ thuật nhân giống

Thảo quả có thể nhân giống bằng hạt hoặc nhân giống bằng nhánh. Nhân giống bằng hạt: Vào tháng 9, tháng 10 khi thu hoạch, chọn những chùm quả già, nhiều quả to, ở cây 5 tuổi trở lên. Bóc vỏ, đãi bỏ phần áo hạt và chỉ lấy hạt chìm. Ngâm hạt trong nước ấm 40-50 độ C (2 sôi 3 lạnh) trong 8 giờ, vớt ra để ráo nước, cho vào cát hoặc túi vải tưới đẫm nước, ủ cho đến khi hạt đứt nanh đem gieo lên luống đã chuẩn bị sẵn.

Vườn ươm được chọn kề bên nơi trồng thảo quả, dưới tán rừng. Cần phải làm dàn che bằng phên, nứa, hoặc lưới đen để bảo đảm độ che bóng khoảng 60-70%. Mặt đất bằng phẳng, đất được làm nhỏ, đánh luống cao. Luống gieo phải được làm đất kỹ, bón lót 3-4kg phân chuồng hoai cho 1m2 mặt luống, luống có kích cỡ rộng 1m, dài 5-10m, cao 15-20 cm, rãnh giữa 2 luống rộng 35-40 cm.

Hạt giống thu được cần gieo ngay. Gieo hạt xong phải phủ cỏ khô. Hạt sẽ nảy mầm sau khi gieo 40 – 45 ngày. Chú ý, tỉa thưa để có cự ly 20 × 20 cm/cây. Cây con thừa dặm sang luống khác. Cây thảo quả con ở vườn ươm sau 1 – 2 năm, cao khoảng 60-80 cm có thể nhổ đi trồng.

Nhân giống bằng nhánh con: Tách một số nhánh non từ các khóm thảo quả trồng, cao khoảng 1m, ở gốc còn một đoạn thân rễ, cắt bỏ lá. Tuy nhiên, loại cây giống này không tốt bằng cây con gieo từ hạt.

Xem thêm  Thông tin chung về cây Đương Quy Nhật Bản (Angelica acutiloba (Siebold & Zucc.) Kitag)

b. Kỹ thuật trồng

Thời vụ trồng tốt nhất từ tháng 12 đến tháng 3 năm sau.

Làm đất:

Đất dưới tán rừng kín thường ẩm, độ cao 1.500 – 2.200 m, bề mặt tương đối bằng phẳng, hoặc có độ dốc dưới 15 độ. Chặt phá bỏ tất cả các loại cây ở tầng dưới tán. Ở tầng tán chỉ để lại một số cây gỗ, đủ tạo nên tàn che 0,4 – 0,6%. Bổ hố trồng cự ly 3 x 4m/cây. Thảo quả không cần trồng sâu nhưng cần giẫm chặt gốc. Đất rừng mới khai phá còn màu mỡ không cần bón phân.

Chăm sóc:

Thảo quả là cây trồng bán tự nhiên nên chăm sóc đơn giản, ngoại trừ việc chặt phá, làm vệ sinh rừng 2 lần/năm. Lần thứ nhất trước mùa hoa (tháng 2 – 3); lần thứ hai sau khi thu hoạch quả, lần này cần chặt bỏ những cây thảo quả già.

Chú ý:

Khi vệ sinh rừng phải nhổ bỏ tất cả những cây xâm lấn xung quanh gốc thảo quả. Cây trồng sau 3 năm bắt đầu có hoa quả, càng về sau càng nhiều hơn. Năng suất cao nhất từ năm thứ 6 – 15, trung bình 0,2 – 0,3 tấn quả khô/ha/năm và cây trồng có thể thu hoạch trong vòng hơn 20 năm.

c. Thu hoạch, chế biến

Vào khoảng tháng 10 đến hết tháng 11, khi thảo quả già thì tiến hành thu hoạch. Dùng dao cắt cả chùm quả đem về phơi hoặc sấy. Hiện nay, hầu hết những rừng trồng thảo quả thường xa nơi ở của các đồng bào, đi lại khó khăn. Để giảm công chuyên chở, vào mùa thu hoạch đồng bào thường làm lều ở tạm và sấy thảo quả luôn trong rừng. Khi sấy nên để cả chùm nhằm tạo độ thông thoáng cho nhanh khô, dễ đảo khi sấy. Khi quả đã khô tách lấy từng quả (bỏ cuống chung), đóng bao vận chuyển về nhà. Thảo quả khô cần để nơi khô ráo, tránh ẩm vì dễ mốc.

Xem thêm  Thông tin chung về cây Gừng (Zingiberaceae)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *